Sử thi Êđê – Khúc tráng ca nối dài trong không gian văn hóa Đắk

Trang chủDi sản/Văn hóaSử thi Êđê – Khúc tráng ca nối dài trong không gian văn hóa Đắk
Sử thi Êđê – Khúc tráng ca nối dài trong không gian văn hóa Đắk
Sử thi Êđê – Khúc tráng ca nối dài trong không gian văn hóa Đắk 1

Sử thi và câu chuyện truyền thống qua tiếng khan, tiếng kư ứt (đàn dọc) và tiếng chiêng là một phần quan trọng của lịch sử, truyền thống và tâm hồn của người Êđê, giúp họ duy trì và bảo tồn văn hóa của mình. Người Êđê có câu: “Thiếu tiếng chiêng, tiếng kư ứt, tiếng khan… như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối …”

Sử thi Êđê – Khúc tráng ca nối dài trong không gian văn hóa Đắk 3

Khi không gian văn hóa Tây Nguyên vang ngân tiếng đàn đá, khi các dàn cồng chiêng hòa nhịp với âm hưởng của núi rừng, rượu cần trong các ché cổ đã thấm, đã ngấm say lòng người, cũng là lúc các thế hệ nghệ nhân thay nhau diễn xướng trong không gian truyền thống đậm chất sử thi.

Theo các tài liệu nghiên cứu, lượng sử thi Tây Nguyên khá phong phú, riêng dân tộc Êđê đã có gần 80 sử thi, nổi bật như Đam San, Đăm Di, Khinh Dú, Đăm Đơ Roăn, Y Prao, Mhiêng, Đăm Di đi săn, Đăm Tiông, Đăm Trao – Đăm Rao… Người Êđê gọi sử thi là “klei khan”. “Klei” nghĩa là lời, bài; “khan” nghĩa là hát kể. Hát kể klei khan không chỉ là hình thức kể chuyện thông thường mà mang tính ngợi ca, thiêng liêng, thể hiện chiều sâu tư tưởng, đời sống văn hóa và tâm linh của cộng đồng.

Mỗi tác phẩm sử thi Êđê là một câu chuyện dài, có mối liên kết giữa thế giới hiện tại và quá khứ, giữa người sống và tổ tiên, giữa hữu hình và vô hình. Nội dung sử thi phản ánh rõ xã hội cổ đại Êđê với cấu trúc mẫu hệ, đề cao vai trò người phụ nữ, mô tả đời sống cộng đồng bình đẳng, hào hiệp và giàu bản sắc.

Việc hình thành và truyền tụng sử thi trải qua một quá trình sáng tạo dân gian lâu đời, gắn liền với các nghệ nhân dân gian – những “pô khan” – có trí nhớ tốt, hiểu biết sâu sắc về truyền thống dân tộc, biết cách hát nói (klei duê) và diễn xuất như những nghệ sĩ sân khấu thực thụ.

Việc kể sử thi thường diễn ra vào đêm, bên bếp lửa hồng, ché rượu cần, giữa vòng vây người già trẻ nhỏ. Mỗi dị bản sử thi được tạo nên bằng sự sáng tạo cá nhân của nghệ nhân, dựa trên mạch chuyện và truyền thống chung. Người nghe có thể yêu cầu, ngắt lời, thắc mắc – thể hiện một không gian đối thoại, dân chủ và gần gũi.

Từ thế hệ này qua thế hệ khác, sử thi Êđê được truyền lại bằng trí nhớ, lời kể, âm thanh và hình ảnh sống động – một loại “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử và tinh thần của tộc người.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *