Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1999, trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Tạp chí Wanderlust cũng từng giới thiệu phố cổ Hội An là một điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam mà du khách nước ngoài không nên bỏ qua.
Phố cổ Hội An nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa giữa phong cách Á Đông và châu Âu xưa. Dù đã trải qua hàng trăm năm, nhưng nơi đây vẫn lưu giữ được những công trình cổ kính như chùa Cầu, nhà cổ, giếng cổ,…Bên cạnh đó, những làng nghề truyền thống như: làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà,…cũng góp phần không nhỏ trong việc làm nên tên tuổi của phố cổ Hội An ngày nay.
Hội An – Di sản văn hóa thế giới
Hội An là một thành phố cổ xinh đẹp nằm ở bờ bắc hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc tỉnh Quảng Nam. Thành phố này cách thủ đô Hà Nội khoảng 795 km về phía Nam, cách TP. Hồ Chí Minh 940 km, và cách thành phố Huế 122 km. Đối với những ai đang ở Đà Nẵng, Hội An cách đó chỉ khoảng 30km về phía đông nam. Về mặt địa lý, Hội An giáp biển Đông về phía đông, tiếp giáp thị xã Điện Bàn ở phía tây và phía bắc, và giáp huyện Duy Xuyên về phía nam.
Hội An từng là một cảng thương mại sầm uất, có vai trò quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Lịch sử hình thành và phát triển của Hội An có thể được chia thành 4 giai đoạn chính:
Thời kỳ hình thành: Vào thế kỉ 15, dưới triều đại nhà Lê, Hội An là 1 cảng biển nhộn nhịp, thu hút thương nhân từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, và các nước phương Tây.
Thời kỳ vàng son: Trong thế kỷ 16 và 17, cảng Hội An được biết đến với tên gọi “Faifo”. Những thương nhân Nhật Bản và Trung Quốc đã xây dựng các khu phố riêng biệt.
Sự suy tàn: Vào thế kỷ 18 và 19, sự thay đổi trong các tuyến đường thương mại và sự phát triển của các cảng biển lớn hơn đã khiến Hội An dần mất đi vai trò quan trọng của mình.
Thế kỷ 20 đến nay: Vào năm 1999, Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, nhờ vào việc bảo tồn nguyên vẹn các công trình kiến trúc cổ và các giá trị văn hóa lịch sử.
Ngày nay, Hội An là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm với vẻ đẹp của các ngôi nhà cổ, phố cổ, chợ truyền thống và các lễ hội văn hóa đặc sắc.
Vì sao Hội An được UNESCO công nhận là di sản thế giới?
Giá trị văn hóa độc đáo: Những công trình ở Hội An đã thể hiện sự pha trộn phong phú của các phong cách kiến trúc và nghệ thuật, từ ảnh hưởng của Trung Quốc, Nhật Bản đến các yếu tố phương Tây.
Kiến trúc đô thị cổ kính: Các công trình kiến trúc nổi bật bao gồm Hội quán, các ngôi chùa, nhà cổ, và cầu Nhật Bản mang đậm phong cách cổ kính, kết hợp hoàn mỹ giữa kiến trúc và nghệ thuật độc đáo.
Sự giao thoa văn hóa đa dạng: Kiến trúc của phố cổ phản ánh rõ nét sự giao thoa văn hóa giữa các nền văn minh Đông Á, châu Âu và Ấn Độ Dương. Những ngôi nhà cổ, đường phố, chùa chiền và cầu cảng,… đều phác họa rõ nét cho yếu tố này.
Sự bảo tồn nguyên vẹn: Chính quyền địa phương cùng các tổ chức bảo tồn đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ các di tích lịch sử và kiến trúc của thành phố.
Những điều làm nên sức hút của phố cổ Hội An?
Phố cổ Hội An nổi bật với nhiều yếu tố làm nên sức hút đặc biệt, thu hút du khách trong và ngoài nước. Du lịch Hội An cũng trở thành sự lựa chọn yêu thích của rất nhiều người.
Kiến trúc đô thị cổ
Phố cổ Hội An nổi bật với một quần thể kiến trúc đô thị cổ được bảo tồn gần như nguyên vẹn từ thời kỳ thương mại thế kỷ 15 đến 19:
Những ngôi nhà cổ (nhà cổ Tấn Ký, nhà cổ Phùng Hưng, nhà cổ Đức An,…) có cấu trúc truyền thống, thường được xây dựng từ gỗ và gạch với các mái ngói lợp đỏ.
Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Hải Nam, chùa Cầu,… là minh chứng rõ ràng cho sự giao thoa văn hóa Việt – Trung – Nhật trong kiến trúc xây dựng và cách thức trang trí.
Các chợ truyền thống như chợ Hội An, với các quầy hàng và kiến trúc mái ngói, tạo nên một không gian mua sắm sống động và nhộn nhịp….
Sự hài hòa giữa kiến trúc Á Đông và châu Âu
Kiến trúc đô thị cổ Hội An thể hiện sự giao thoa văn hóa phong phú từ các nền văn minh khác nhau. Các yếu tố kiến trúc Trung Hoa, Nhật Bản, và phương Tây kết hợp hài hòa với yếu tố kiến trúc truyền thống Việt Nam. Sự kết hợp này không chỉ tạo nên vẻ đẹp độc đáo mà còn phản ánh lịch sử giao thương quốc tế của Hội An.
Làng nghề truyền thống
Với lịch sử lâu dài, cư dân Hội An đã phát triển một loạt các nghề truyền thống, bao gồm nghề mộc, gốm mỹ nghệ, trồng rau, làm thuốc, và làm lồng đèn. Những ngành nghề này không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày mà còn góp phần làm cho cảng thị Hội An trở nên sầm uất và thịnh vượng từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX.
Một số làng nghề truyền thống nổi tiếng tại Hội An bao gồm:
Làng mộc Kim Bồng: Nằm ở xã Cẩm Kim, bên kia sông Hội An, làng Kim Bồng đã từ lâu nổi tiếng với nghề chạm trổ và điêu khắc gỗ tinh xảo.
Làng gốm Thanh Hà: Cách Hội An khoảng 1,5 km về phía Tây, làng Thanh Hà từng là trung tâm sản xuất gốm sứ nổi bật từ thế kỷ XVI, XVII, với các sản phẩm gốm và đất nung được trao đổi rộng rãi khắp miền Trung Việt Nam.
Làng rau Trà Quế: Nằm cách trung tâm Hội An khoảng 3 km về phía Tây Bắc và cách TP Đà Nẵng dưới 20 km về phía Nam, làng rau Trà Quế hiện có 220 hộ gia đình làm nông nghiệp, trong đó 130 hộ chuyên trồng rau trên diện tích 40 hecta.
Làng đúc đồng Phước Kiều: Tọa lạc dọc theo Quốc lộ 1, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, làng đúc đồng Phước Kiều nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống.
Văn hóa phi vật thể
Hội An là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đóng vai trò quan trọng trong việc làm phong phú thêm bản sắc và thu hút du khách:
Các lễ hội truyền thống được tổ chức quanh năm như: lễ hội đèn lồng, hội thả hoa đăng, lễ hội cầu bông, lễ tế Cá Ông, vía Bà Thiên Hậu,…
Các trò chơi dân gian truyền thống: hát bài chòi Hội An, múa lân và múa rối nước, hát truyền khẩu Hội An,…
Hội An được UNESCO công nhận là di sản thế giới giúp Đà Nẵng nhận được sự chú ý và hỗ trợ trong việc bảo tồn các giá trị lịch sử và văn hóa của mình. Hội An ngày càng nâng cao danh tiếng của thành phố du lịch hàng đầu Việt Nam, thu hút lượng lớn du khách quốc tế, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của Quảng Nam và miền Trung Việt Nam.
Đây là minh chứng cho sự phong phú và đa dạng của nền văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội để giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của đất nước ra thế giới. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển bền vững, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế địa phương.