(TITC) Một ngôi nhà cổ được xây dựng năm 1870 được bảo tồn gần như nguyên vẹn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Công trình nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa (TP. Cần Thơ), là mẫu nhà cổ theo kiến trúc kiểu Pháp hiếm hoi còn được bảo tồn đến ngày nay và được biết đến như một điểm đến hấp dẫn ở Cần Thơ. Chiêm ngưỡng ngôi nhà, du khách thật sự choáng ngợp trước sự đồ sộ, hoành tráng của kiểu nhà Pháp nhưng vẫn xen lẫn nét phong cách truyền thống phương Đông.
Nhà cổ Bình Thủy thuộc gia tộc họ Dương, được xây vào năm 1870. Nhà được xây theo lối kiến trúc nhà kiểu Pháp, 5 gian 2 chái, có rất nhiều cửa. Nền nhà được xây dựng cao hơn mặt sân 1m, trần cao, mái lợp 3 lớp ngói nên không gian trong nhà luôn tạo được không khí thoáng mát. Điểm khác biệt của ngôi nhà là dưới nền được gia cố một lớp muối hột dày chừng 10 cm; công dụng của lớp muối này là nhằm chống mối mọt, côn trùng. Trong nhà cũng có rất nhiều cột gỗ, tất cả đều được đặt trên những chân bệ đá, có lẽ vì vậy mà những chi tiết bằng gỗ trong nhà vẫn bảo toàn nguyên vẹn qua thời gian đến bây giờ. Quanh nhà có bốn cầu thành hình cánh cung kết nối với sân vườn, mặt tiền trang trí phù điêu đắp nổi hoa lệ… Các chi tiết, vật dụng trong căn nhà đều toát lên vẻ sa hoa, bề thế một thời. Tương truyền, toàn bộ gạch bông lát nền nhà, hàng rào sắt đúc bảo vệ khuôn viên, và nhiều vật dụng khác trong nhà đều được đặt mang từ Pháp sang.
Trong ngôi nhà, nơi trang trọng được nhất dùng để bàn thờ tổ tiên ông bà. Nhiều chi tiết trong căn nhà nhà chủ yếu được tạo nên bằng gỗ, được trang trí, chạm khắc tỉ mỉ, tinh tế, khảm xà cừ, sơn son thếp vàng. Những vật dụng trong nhà đến thời điểm hiện tại đã trở thành một kho đồ cổ vô cùng quý giá. Có thể kể đến như hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam, tách chén nậm trà – rượu đời Minh – Thanh (Trung Quốc); mặt bàn bằng đá cẩm thạch, vân xanh, đường kính 1,5m, dày hơn 6cm; bộ xa lông kiểu Pháp đời Louis 15; chùm đèn bạch đăng TK18, cặp đèn treo TK19…
Khuôn viên ngôi nhà được chia làm ba phần: nhà trước, nhà giữa, nhà sau. Ngăn cách giữa nhà trước với nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác bằng gỗ. Những chi tiết này được chạm khắc tỉ mỉ với các đồ án, quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ cũng như gần gũi với đời sống của người việt Nam ở Nam Bộ. Chính điều này góp phần tạo nên một công trình kiến trúc kiểu Pháp nhưng vẫn xen lẫn nét phong cách truyền thống phương Đông.
Sự độc đáo, đặc sắc của ngôi nhà đã thu hút sự chú ý của các nhà làm phim. Có thể coi đây là nét duyên của ngôi nhà, khi được lựa chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim nổi tiếng: “Những nẻo đường phù sa”, “Người đẹp Tây Đô”, “Nợ đời”, “Công tử Bạc Liêu”, “Chân trời nơi ấy”, “Cây tre trăm đốt”, “Người tình”… Ngôi nhà còn được biết đến với tên gọi khác – “Vườn lan Bình Thủy”. Khởi điểm của vườn lan là từ hậu duệ đời thứ năm Dương Văn Ngôn với thú chơi xương rồng, hoa kiểng; ông đã sưu tầm các loại hoa lan quý rồi tổ chức các hội chơi lan, kết hợp mở tuyến du lịch thăm quan ngôi nhà vào những năm 1980 để những người cùng sở thích có dịp trao đổi kinh nghiệm, cùng thưởng thức thú chơi hoa.
Khuôn viên xung quanh nhà rộng rãi với nhiều cây cảnh, non bộ, hoa lan; phần lớn lan được ươm giống, trồng, chăm sóc phía sau ngôi nhà. Giáp với ngôi nhà, phía sau là mảnh vườn rộng chừng 1ha, trồng rất nhiều loại cây trái; đây là một phần sinh kế của những người trong gia đình. Ngày 27/3/2009, ngôi nhà đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia.