Gốm sứ có xuất xứ từ Bình Dương trong thời gian qua đã gắn liền với nhiều sự kiện đối ngoại và đối nội quan trọng của quốc gia như làm quà tặng trong các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, APEC 2006 và 2017 được tổ chức tại Việt Nam, 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Hội nghị ASEAN 17…Đặc biệt, các sản phẩm sứ cao cấp Bình Dương với thương hiệu gốm sứ Minh Long I được chọn làm quốc phẩm trong chuyến công du của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng cho hơn 40 nguyên thủ các nước trên thế giới.
Được biết, nghề làm gốm ở Bình Dương xuất hiện vào cuối thế kỉ 18 đầu thế kỷ 19 do các di dân người Hoa đến lập nghiệp ở vùng đất này. Ở Bình Dương có ba làng nghề làm gốm lâu đời và nổi tiếng, đó là Tân Phước Khánh, Lái Thiêu và Chánh Nghĩa. Đặc điểm chung của gốm Bình Dương chính là sử dụng nguồn nguyên liệu từ loại đất sét có độ dẻo, độ kết dính cao nằm dọc theo những con sông ở địa phương để nhào nặn, cùng với đó là kỹ thuật làm gốm gia truyền của những nghệ nhân gốc Hoa và bí quyết canh nung chín gốm bằng củi để ra được những mẻ gốm hoàn hảo.
Trong giai đoạn 1910-1930, ở Bình Dương chỉ có khoảng 40 lò gốm với khoảng 1.000 lao động, đến năm 1985 có 273 cơ sở gốm thu hút 6.700 lao động. Đến nay có gần 300 cơ sở sản xuất gốm với khoảng 500 lò gốm thu hút hơn 15.000 lao động, cung cấp cho thị trường từ 130 -150 triệu sản phẩm/năm.
Theo ông Quách Hữu, thợ làm gốm có kinh nghiệm hơn 40 năm ở làng gốm Tân Phước Khánh cho biết: “Nghề làm gốm là nghề cha truyền con nối, đến tôi đã là đời thứ ba. Nghề này thường được ví von là một công việc suốt ngày “chơi” với đất sét, từ các công đoạn lấy đất, chọn lọc, pha trộn và nhồi nặn…, đôi bàn tay lúc nào cũng bị bao phủ bởi lớp đất sét”.
Hiện nay, cơ sở của ông Quách Hữu chuyên về sản xuất chậu sứ, bán trong nước và một số công ty đặt hàng xuất khẩu. Ông cũng cho biết thêm đối với nghề làm gốm thủ công đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ và khéo tay. Ở các giai đoạn tạo hình, tráng men cần phải cẩn trọng hơn nữa. Trong đó, giai đoạn nung một mẻ gốm khoảng 200 sản phẩm bằng củi tại cơ sở của ông có thời gian là 3 ngày, đòi hỏi người thợ phải có nhiều kinh nghiệm mới có thể canh đúng độ lửa, gốm mới chín đều và đẹp.
Nếu như trước đây, các sản phẩm của gốm Bình Dương chủ yếu là các sản phẩm gia dụng, như: tô,chén, đĩa, đôn ghế, tượng, chậu hoa… thì hiện nay việc nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng cũng như công nghiệp hóa một số công đoạn sản xuất đã cho ra số lượng lớn và đa dạng các dòng sản phẩm cơ bản cho đến cao cấp, phục vụ được đa dạng nhu cầu trong đời sống.…
Trong năm 2021, tỉnh Bình Dương (cũ) – nay là Thành phố Hồ Chí Minh – vinh dự có thêm hai di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, gồm “Nghề thủ công truyền thống nghề gốm Bình Dương” và “Tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian võ lâm Tân Khánh Bà Trà”.
Ngoài ra, nghề làm heo đất ở Lái Thiêu với các sản phẩm heo đất thủ công và nghề làm lu, khạp, vại ở lò lu Đại Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh) là một hướng phát triển rất độc đáo của nghề gốm thủ công ở Bình Dương, đã khẳng định được thương hiệu và được người tiêu dùng xa gần biết đến.
Đặc trưng của gốm sứ Bình Dương nằm ở độ bền của sản phẩm, nước men tráng và các chủ đề trang trí đa dạng nhưng gần gũi như phong cảnh thiên nhiên vùng quê Nam bộ, các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước. Hơn nữa, các sản phẩm gốm sứ đất Bình Dương hiện nay có thêm sự pha trộn giữa nét truyền thống Việt Nam và tính hiện đại của phương Tây nên rất được thị trường châu Âu ưa chuộng, mang lại nguồn kinh tế ổn định và phát triển tích cực cho nghề làm gốm. Trong đó, các sản phẩm của gốm sứ Minh Long 1 được xem là tiên phong trong việc mang các sản phẩm gốm sứ Bình Dương chất lượng cao ra thế giới.