Giới thiệu Việt Nam

Việt Nam – một điểm đến đầy mê hoặc, nơi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ hòa quyện cùng chiều sâu văn hóa lịch sử. Bờ biển trải dài, những dãy núi trùng điệp và ruộng bậc thang xanh mướt uốn lượn, đất nước hình chữ S đã và đang vẽ nên một bức tranh đa diện, làm say lòng bất kỳ ai đặt chân đến. Lịch sử phong phú, văn hóa truyền thống sống động cùng những con người thân thiện, mến khách đã tạo nên sức hút khó cưỡng cho Việt Nam. Từ những lễ hội ngàn năm tuổi, nền ẩm thực tinh tế, cho đến âm hưởng Đông – Tây hòa quyện, Việt Nam hứa hẹn mang đến một hành trình khám phá sâu sắc và đầy ấn tượng.

Vị trí địa lý – địa hình – khí hậu

Vị trí địa lý

Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc khu vực Đông Nam Á, ven biển Thái Bình Dương. Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài 4.550 km tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Campuchia ở phía Tây; phía Đông giáp Biển Đông. Trên bản đồ, dải đất liền Việt Nam mang hình chữ S, dài 1.650 km theo hướng bắc nam, phần rộng nhất trên đất liền khoảng 500 km; nơi hẹp nhất gần 50 km.

Địa hình

Việt Nam đa dạng: đồi núi, đồng bằng, bờ biển và thềm lục địa, phản ánh lịch sử phát triển địa chất, địa hình lâu dài trong môi trường gió mùa, nóng ẩm, phong hóa mạnh mẽ. Địa hình thấp dần theo hướng tây bắc – đông nam, được thể hiện rõ qua hướng chảy của các dòng sông lớn.

Đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ nhưng chủ yếu là đồi núi thấp. Địa hình thấp dưới 1.000 m chiếm tới 85% lãnh thổ. Núi cao trên 2.000 m chỉ chiếm 1%. Đồng bằng chỉ chiếm ¼ diện tích trên đất liền và bị đồi núi ngăn cách thành nhiều khu vực. Ở hai đầu đất nước có hai đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu là đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ. Nằm giữa hai châu thổ lớn đó là một chuỗi đồng bằng nhỏ hẹp, phân bố dọc theo duyên hải miền Trung.

Việt Nam có ba mặt đông, nam và tây-nam trông ra biển với bờ biển dài 3.260 km. Phần Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam mở rộng về phía đông và đông nam, có thềm lục địa, các đảo và quần đảo lớn nhỏ bao bọc. Chỉ riêng Vịnh Bắc Bộ đã tập trung một quần thể gần 3.000 hòn đảo trong khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, các đảo Cát Hải, Cát Bà, đảo Bạch Long Vĩ… Xa hơn là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phía tây-nam và nam có các nhóm đảo Côn Sơn, Phú Quốc và Thổ Chu.

Bản đồi địa hình Việt Nam
Bản đồi địa hình Việt Nam

Khí hậu

Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, tuy vậy do địa hình trải dài nên khí hậu Việt Nam cũng mang đậm nét đặc trưng vùng miền: miền Bắc trải qua bốn mùa rõ rệt xuân – hạ – thu – đông; miền Nam có hai mùa (mùa mưa – mùa khô) đặc trưng; trong khi đó, các vùng núi cao lại sở hữu khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Miền Trung lại có một nét đặc trưng riêng khi thường xuyên phải đối mặt với những cơn bão, tạo nên sự khắc nghiệt nhưng cũng đầy bản sắc.

Các dân tộc

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 90%, các dân tộc khác chiếm khoảng 10%.

Tôn giáo

Việt Nam có một số tôn giáo chính như: Đạo Phật, Đạo Thiên chúa, Đạo Tin lành, Đạo Cao đài, Đạo Hòa hảo…

Lịch sử hình thành, phát triển

Lịch sử Việt Nam là một thiên anh hùng ca kéo dài hàng ngàn năm, bắt đầu từ nền văn minh Đông Sơn rực rỡ. Trải qua hơn một thiên niên kỷ dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, người Việt đã kiên cường giành lại độc lập qua chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 938.

Từ thế kỷ X đến thế kỷ XVIII, nhân dân Việt Nam đã lập nên nhiều chiến công hiển hách: chiến thắng quân Tống (1077), 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông (1258, 1285, 1287 – 1288), quân Minh (1418 – 1428), quân Thanh (1789)…

Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, biến đất nước ta thành thuộc địa trong gần một thế kỷ. Song, ngọn lửa đấu tranh của dân tộc không bao giờ ngừng cháy. Đỉnh cao là Cách mạng tháng 8 năm 1945 đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật, giành được chính quyền trong cả nước, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Độc lập chưa lâu, chúng ta lại tiếp tục cuộc kháng chiến trường chinh chống pháp và chống Mỹ cứu nước. Ngày 30/4/1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân Việt Nam đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 7-1976, Quốc hội khóa VI đã quyết định đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ đó đến nay, Việt Nam không ngừng đổi mới, hội nhập quốc tế và đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Với những bước tiến đáng kể về mọi mặt, Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ, thu hút đầu tư, hướng tới mục tiêu trở thành một nền kinh tế phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Việt Nam ngày nay không ngừng đổi mới, hội nhập quốc tế và đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội
Việt Nam ngày nay không ngừng đổi mới, hội nhập quốc tế và đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội

Văn hóa Việt Nam – Bản sắc độc đáo và sức sống vượt thời gian

Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc. Đó là sự kết tinh của tinh hoa bản địa cùng quá trình giao lưu, tiếp thu có chọn lọc từ nhiều nền văn minh thế giới, tạo nên một bản sắc vừa độc đáo, vừa phong phú. Chính nền văn hóa này đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách và bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, với đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, văn hóa Việt Nam tiếp tục được phát huy, đóng góp to lớn vào thắng lợi giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nền văn hóa ấy được định hình là “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.

Văn hóa Việt Nam
Văn hóa Việt Nam

Sự đa dạng của các loại hình văn hoá, nghệ thuật

Các hoạt động sáng tạo trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã có bước phát triển mới. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống được gìn giữ và phát huy như:

  • Âm nhạc: Các làn điệu dân ca (quan họ, hò, lý), nhạc cụ truyền thống (đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc)…, và đặc biệt nhiều loại hình đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể như: Nhã nhạc cung đình Huế – nét tinh túy của âm nhạc cung đình hay Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam…
  • Sân khấu: Tuồng, chèo, cải lương với những tích truyện dân gian, lịch sử sâu sắc; Múa rối nước – loại hình nghệ thuật độc đáo chỉ có ở Việt Nam.
  • Văn học: Từ kho tàng văn học dân gian phong phú (truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, sử thi…) đến văn học hiện đại, phản ánh đời sống và tư tưởng của người Việt qua nhiều thế kỷ.
  • Nghề truyền thống: Nghề gốm, lụa tơ tằm, chạm khắc gỗ, sơn mài với những sản phẩm tinh xảo, thể hiện sự khéo léo và óc sáng tạo của nghệ nhân Việt.
Văn hoá nghệ thuật Việt Nam
Văn hoá nghệ thuật Việt Nam

Di sản vật thể và di tích lịch sử

Việt Nam tự hào sở hữu một hệ thống di tích lịch sử và di sản vật thể đồ sộ, minh chứng cho chiều dài lịch sử và sự phát triển văn hóa:

  • Các di sản thế giới được UNESCO công nhận: Vịnh Hạ Long (Di sản thiên nhiên), Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Di sản văn hóa), Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Di sản thiên nhiên), Quần thể danh thắng Tràng An (Di sản hỗn hợp)…
  • Các công trình kiến trúc cổ: Chùa Một Cột, Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Kinh thành Huế, các đình làng cổ kính in dấu lịch sử, văn hoá trải dài khắp đất nước…

Nhiều nét văn hóa truyền thống và phong tục tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phục dựng, góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Giao lưu văn hóa với nước ngoài ngày càng mở rộng, giúp Việt Nam tiếp cận những thành tựu văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu những giá trị tốt đẹp, độc đáo của mình ra thế giới.

Đặc biệt, ẩm thực Việt Nam là một kho tàng hương vị độc đáo, đề cao sự cân bằng giữa các vị ngọt, mặn, chua, cay. Những món ăn nổi tiếng toàn cầu như phở, bánh mì, bún chả… đã trở thành niềm tự hào của người Việt. Cùng với các di sản văn hoá được công nhận đã khẳng định giá trị vượt thời gian của văn hóa Việt.

Những năm gần đây, nhiều thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, câu lạc bộ, bảo tàng, thư viện, cửa hàng sách báo, khu vui chơi giải trí…) đã đổi mới phương thức hoạt động, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Quần thể di tích Cố đô Huế
Quần thể di tích Cố đô Huế

Con người Việt Nam

Với tinh thần đoàn kết và kiên cường, người dân Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn và thử thách trong quá khứ để giành lại độc lập và tự chủ cho đất nước.

Người Việt nổi tiếng với lòng hiếu khách, sự thân thiện và tinh thần cộng đồng cao. Nếp sống gia đình đa thế hệ, nơi ông bà, cha mẹ và con cái cùng chung sống dưới một mái nhà, là một nét đẹp văn hóa đặc trưng. Người Việt rất coi trọng lễ nghĩa, kính trọng người lớn tuổi. 54 dân tộc cùng chung sống hoà thuận, sẻ chia trên lãnh thổ Việt Nam, mỗi dân tộc mang một bản sắc độc đáo riêng, góp phần tạo nên một bức tranh văn hóa rực rỡ. Người Việt còn có một mong muốn sâu sắc là “sống hòa mình với thiên nhiên”, thể hiện rõ nét qua các nghề truyền thống như làm nông, thủ công, hay các làng nghề truyền thống. Nụ cười rạng rỡ và giọng nói nhẹ nhàng của người Việt luôn tạo cảm giác gần gũi, ấm áp cho du khách. Mỗi người dân như một đại sứ du lịch luôn sẵn sàng chào đón và kể những câu chuyện của quê hương, đất nước mình cho du khách bốn phương.

Con người Việt Nam
Con người Việt Nam

Lễ hội lớn tại Việt Nam

Việt Nam là đất nước có bề dày bản sắc văn hóa vô cùng sâu sắc. Những dấu ấn đặc sắc ấy được phảng phất qua vẻ đẹp của những lễ hội truyền thống trên khắp các vùng miền của đất nước.

Một số lễ hội tiêu biểu:

Miền Bắc

Lễ hội Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) là một trong những ngày lễ quan trọng của đất nước được tổ chức hàng năm. Đây là sự kiện văn hóa đặc biệt để tưởng nhớ công lao của những vị vua Hùng đã góp công dựng nước. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch với nhiều hoạt động đặc sắc. Lễ hội đền Hùng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Lễ hội Chùa Hương được diễn ra đúng dịp mùa xuân về nên khung cảnh nơi đây càng thêm rạng rỡ và tươi đẹp. Vào thời điểm này, nhiều tín đồ du lịch đến với Chùa Hương để chiêm bái và nguyện cầu những điều may mắn. Lễ hội Chùa Hương có nhiều hoạt động được tổ chức như dâng hương, dâng đàn, hát chèo, leo núi, đua thuyền, chầu văn…

Hội Lim (Bắc Ninh) là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất tại miền Bắc. Đây là một trong những lễ hội dân gian được nhiều tín đồ du lịch biết đến với nhiều hoạt động giải trí, hội hè như đấu vật, đấu võ, đấu cờ, dệt khung cửi, nấu cơm, hát hội và đặc biệt là du thuyền hát quan họ. Quan trọng nhất là chính hội vào ngày 13 Âm lịch được tổ chức vô cùng cầu kỳ với những bộ lễ phục cổ xưa rực rỡ cùng nhiều nghi lễ, tục hát thờ hậu.

Lễ hội Đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng

Miền Trung

Festival Huế là chuỗi những lễ hội đặc sắc mang lại không gian lộng lẫy cho các tín đồ du lịch Huế tham quan, trải nghiệm. Vào mỗi mùa festival, chính quyền nơi đây sẽ đưa ra một chủ đề riêng thu hút nhiều bạn trẻ đến đây trải nghiệm. Lễ Festival Huế không chỉ dành cho các tín đồ du lịch trong nước mà còn thu hút bạn bè quốc tế đến tham gia.

Lễ hội Katê (Ninh Thuận cũ, Khánh Hòa hiện nay) là một nghi lễ phổ biến trong cộng đồng người Chăm ở và các tỉnh duyên hải miền Nam Trung Bộ. Lễ hội linh thiêng này được tổ chức để tưởng nhớ đến các anh hùng của dân tộc Chăm được tôn vinh làm thần. Lễ hội có các nghi thức như rước y phục về làng hay các tiết mục văn nghệ cùng các điệu múa đậm chất văn hóa Chăm.

Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội truyền thống Việt Nam khá quen thuộc tại các tỉnh ven biển miền Trung. Lễ hội Cầu Ngư có nguồn gốc từ tục thờ Ông Nam Hải, loài cá voi có thân hình to lớn nhưng khá hiền hòa và chuyên giúp đỡ người biển khi họ gặp nguy hiểm. Lễ hội Cầu Ngư được tổ chức với mục đích mong cầu một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang và sóng yên biển lặng.

Festival Huế
Festival Huế

Miền Nam

Lễ hội Đua Bò Bảy Núi được tổ chức tại vùng Thất Sơn An Giang cũng là một trong những lễ hội được nhiều tín đồ du lịch chú ý tại khu vực Tây Nam Bộ. Lễ hội này được tổ chức vào dịp lễ Đôn – ta của người Khmer. Không khí của lễ đua bò lúc nào cũng hào hứng, sôi nổi và mang đến không gian sinh hoạt giải trí thú vị cho người dân bản địa lẫn khách du lịch.

Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam (An Giang) gắn liền với đền thờ nổi tiếng của khu vực này, được nhiều tín đồ lui tới để cầu bình an. Đây là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận với giá trị văn hóa lâu đời. Tại lễ hội này thường tổ chức các hoạt động như khai hội, rước tượng Bà, tắm Bà, thả đèn hoa đăng, triển lãm tranh nghệ thuật.

Ngoài ra, trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu còn có nhiều lễ hội độc đáo khác như: lễ hội chọi trâu, đua thuyền, và các lễ hội vùng cao gắn liền với mùa vụ thu hoạch hay tín ngưỡng bản địa… Những lễ hội này không chỉ là cơ hội để mọi người vui chơi, kết nối mà còn là cầu nối gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam
Lễ hội Bà Chúa Xứ Núi Sam

Du lịch Việt Nam – Sức bật ấn tượng

Với sự đa dạng của cảnh quan thiên nhiên, bề dày lịch sử, văn hóa độc đáo cùng con người hiếu khách, du lịch Việt Nam đang ngày càng trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ trên bản đồ du lịch thế giới. Việt Nam không chỉ là một quốc gia, mà còn là một trải nghiệm trọn vẹn, nơi mỗi hành trình đều mở ra những khám phá bất ngờ và những ấn tượng khó phai.

Với những lợi thế vượt trội, du lịch Việt Nam đang có những bước phát triển ấn tượng. Tính chung 5 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,2 triệu lượt, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2024. Chỉ tính riêng tháng 5/2025, lượng khách quốc tế đến nước ta đạt 1,53 triệu lượt, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,2% và doanh thu du lịch, lữ hành tăng 24,7% so với cùng năm ngoái.

Từ điểm đến theo mùa, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế điểm đến du lịch quanh năm trong mắt bạn bè quốc tế, từng bước phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng đề ra.

Với những lợi thế vượt trội, du lịch Việt Nam đang có những bước phát triển ấn tượng
Với những lợi thế vượt trội, du lịch Việt Nam đang có những bước phát triển ấn tượng

Dựa trên đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây, ngành du lịch Việt Nam hồi phục trở lại sau đại dịch và được kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá. Chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh; việc cải thiện hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp xu hướng, cùng những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng sẽ tiếp thêm sức mạnh để ngành du lịch Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng trong tương lai.

Các điểm đến nổi bật

Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là một điểm đến du lịch hấp dẫn trên bản đồ thế giới. Từ Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long kỳ vĩ, cố đô Huế trầm mặc, phố cổ Hội An cổ kính, cho đến đô thị năng động TP. HCM và vùng đất Cửu Long trù phú, mỗi nơi đều mang một vẻ đẹp riêng. Du khách có thể lựa chọn vô vàn trải nghiệm thú vị với các loại hình du lịch độc đáo: Du lịch tìm hiểu văn hoá, lịch sử, du lịch khám phá thiên nhiên, mạo hiểm, du lịch cộng đồng sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng…

Miền Bắc

Văn Miếu – Quốc Tử Giám: là khu di tích tâm linh biểu tượng cho trí tuệ cũng như truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Đây là khu di tích quốc gia đặc biệt bao gồm hồ Văn, khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám và vườn Giám với kiến trúc chủ thể là Văn Miếu – nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Hiện nay, di tích này đang phát triển tour du lịch đêm Tinh hoa đạo học vừa giàu ý nghĩa vừa hấp dẫn du khách.

Hoàng thành Thăng Long: là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Nơi đây đã được công nhân là Di sản Văn hóa thế giới, trở thành niềm tự hào của không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả đất nước Việt Nam.

Vịnh Hạ Long: Được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Nơi đây sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng các điểm đến xinh đẹp như: đảo Mắt Rồng, đảo Ti Tốp, hòn Con Cóc, đảo Ngọc Vừng, hang Sửng Sốt… Bên cạnh việc ngồi du thuyền ngắm cảnh, du khách có thể trải nghiệm hoạt động chèo thuyền kayak, câu cá hoặc lặn cũng rất thú vị.

Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới
Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới

Quần thể danh thắng Tràng An: Quần thể danh thắng Tràng An nằm tại tỉnh Ninh Bình được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới – di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Quần thể này bao gồm ba vùng liền kề nhau là khu danh thắng Tràng An, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động và khu du tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư.

Không bất ngờ khi nơi đây sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, choáng ngợp với hệ thống núi đá trùng điệp, nhiều đầm, hồ nước đẹp như tranh vẽ. Bên cạnh đó, cố đô Hoa Lư với lối kiến trúc có tuổi đời hơn 1.000 năm, gắn liền với triều đại nhà nước Đại Cồ Việt cũng là địa điểm đáng để ghé thăm.

Fansipan: nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, là đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Đỉnh núi này được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”. Đây là điểm đến lý tưởng cho những người yêu khám phá thiên nhiên, ưa thích sự mạo hiểm.

Du khách có thể trekking để khám phá cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng hệ thực vật phong phú. Bên cạnh đó, vẫn có hệ thống cáp treo để du khách dễ dàng thưởng ngoạn hình ảnh những ngọn núi trùng điệp từ trên cao.

Hệ thống Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận ở miền núi phía Bắc: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang cũ, Tuyên Quang hiện nay); Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn…

Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng
Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng

Miền Trung

Hoàng thành Huế: Được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, Hoàng thành Huế hay Đại Nội được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới UNESCO từ năm 1993.

Khu quần thể di tích Hoàng thành Huế gồm hàng trăm công trình với sự xây dựng kỳ công, mang vẻ đẹp cổ kính, đậm dấu ấn văn hóa lịch sử phong kiến triều đình nhà Nguyễn từ trăm năm trước. Đến đây, du khách như được quay ngược thời gian khi ghé thăm cổng Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, khu vực Tử Cấm thành…

Bà Nà Hill: Là một trong những địa điểm du lịch Đà Nẵng nổi tiếng nhất, Bà Nà Hills thu hút hàng triệu lượt khách ghé thăm mỗi năm nhờ vẻ đẹp ấn tượng và những công trình kiến trúc độc đáo. Không chỉ được ví như một chốn “bồng lai tiên cảnh”, nhiều người còn xem nơi đây là “Châu Âu thu nhỏ giữa lòng Đà Nẵng”. Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan lãng mạn và những công trình kiến trúc độc đáo mang đến cho Bà Nà Hills một vẻ quyến rũ rất riêng.

Phố cổ Hội An: Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào năm 1999, Hội An nằm top đầu những điểm đến hấp dẫn nhất tại Việt Nam theo Tripadvisior. Thành phố này giữ được hầu như nguyên vẹn nét đẹp cổ kính, giàu ý nghĩa văn hóa và lịch sử thể hiện ở lối kiến trúc nhà ở cũng như các di tích chùa Cầu, chùa Ông, Văn thánh miếu Cẩm Phô…

Phố cổ Hội An
Phố cổ Hội An

Phong Nha Kẻ Bàng đã trở thành địa điểm du lịch miền Trung mà nhiều người muốn khám phá. Nổi tiếng với những hang động dài và đẹp cùng núi non hữu tình, sông nước mênh mông, nơi đây không chỉ thu hút đông đảo khách du lịch trong nước mà còn hấp dẫn cả du khách quốc tế. Phong Nha Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003 và được công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào năm 2015.

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tiếp tục là một địa điểm du lịch miền Trung không thể bỏ qua với 3 hòn đảo mang những nét đẹp độc đáo riêng biệt. Đến nơi đây, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng thiên nhiên trù phú cùng muôn vàn cảnh sắc khiến lòng người rung động. Ngoài ra, bạn cũng có thể dành thời gian ghé thăm các địa điểm hấp dẫn như cổng Tò Vò, hang Câu, chùa Hang,… và thưởng thức những món hải sản thơm ngon chỉ có tại Lý Sơn.

Thánh địa Mỹ Sơn: Nếu yêu thích khám phá lịch sử, chắc chắn rằng bạn sẽ không thể bỏ qua cái tên Thánh địa Mỹ Sơn trong hành trình du lịch miền Trung của mình. Là nơi lưu giữ hơn 70 công trình kiến trúc mang đậm hương sắc Chăm Pa, Thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999.

Ngoài ra còn phải kể đến hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa…

Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn

Miền Nam

Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm kinh tế sầm uất, nơi hội tụ những tòa nhà chọc trời, trung tâm mua sắm hiện đại và cuộc sống về đêm sôi động.

Cần Thơ: Được biết đến với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nhiều điểm đến tham quan thú vị, kèm theo đó là sự mộc mạc, hào sảng của người dân địa phương nên du lịch Cần Thơ thường được rất nhiều du khách lựa chọn khi tham quan miền Tây.

  • Bến Ninh Kiều: Nhắc đến Cần Thơ thì không thể không nhắc đến bến Ninh Kiều, nơi đây được xem là biểu tượng cho sự phát triển của xứ Tây Đô. Nét đẹp của bến Ninh Kiều được ví như nét đẹp của giai nhân, càng ghé thăm lại càng thấy yêu, thấy mến và khám phá thêm nhiều điều mới lạ. Ngày nay, địa điểm này đã trở thành công viên du lịch hiện đại nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nhiều du thuyền sang trọng và các góc chụp hình đắt giá.
  • Chợ nổi Cái Răng: Đây là nơi giao thương sầm uất, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Tại đây, bạn có thể tham quan, mua sắm, thưởng thức những món ăn ngon và đặc biệt là ghi lại những bức hình check-in tuyệt đẹp.
  • Nhà cổ Bình Thủy: Được xây dựng từ năm 1870, nhà cổ Bình Thủy thuộc sở hữu của nhà họ Dương và đã từng xuất hiện trong nhiều bộ phim nổi tiếng. Đây là một trong số ít những căn nhà cổ có lối kiến trúc Đông – Tây kết hợp. Phòng khách được bày trí theo phong cách châu Âu nhưng lại hài hòa với gian thờ có thiết kế thuần Việt, thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhà.

Phú Quốc (Kiên Giang cũ, An Giang hiện nay): Đảo ngọc với những bãi biển cát trắng mịn, làn nước trong xanh và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.

Phú Quốc với những bãi biển cát trắng mịn
Phú Quốc với những bãi biển cát trắng mịn

Mũi Cà Mau: là vùng đất tận cùng của Tổ quốc với 3 mặt đều giáp biển, nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và nền văn hóa lâu đời. Do đó, đây chắc chắn sẽ là địa điểm lý tưởng, giúp bạn không cần băn khoăn về việc du lịch miền Tây nên đi tỉnh nào.

Nếu có dịp du lịch đến các tỉnh miền Nam, hãy tự do khám phá những nét độc đáo trong kiến trúc cổ điển cũng như hiện đại, các di tích, chứng tích lịch sử, văn hóa tâm linh, trải nghiệm miền Tây sông nước, rừng ngập mặn cùng sự mộc mạc, chân chất của con người nơi đây.

Mỗi vùng đất, mỗi con người thuộc các dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam đều ẩn chứa vẻ đẹp, sức hút riêng, độc đáo hấp dẫn du khách, khiến du khách say đắm, thêm yêu, thêm nhớ và khát khao khám phá, trải nghiệm.

Ẩm thực đặc sắc

Ẩm thực Việt Nam là một điểm nhấn không thể bỏ qua. Từ phở, bún chả, nem rán đến bánh mì, cà phê trứng… mỗi món ăn đều kể một câu chuyện riêng về văn hóa và con người bản địa. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những món ăn ngon lành trên mọi nẻo đường, từ những gánh hàng rong bình dị đến những nhà hàng sang trọng. Sự tinh tế trong chế biến và hương vị đậm đà đã giúp ẩm thực Việt Nam vươn tầm thế giới.

Dấu ấn ẩm thực Việt

Thời gian qua, ẩm thực Việt Nam ngày càng thăng hạng với nhiều dấu ấn: Được vinh danh tại những giải thưởng uy tín toàn cầu, gây ấn tượng tại các liên hoan và lễ hội quốc tế, được nhiều chính khách và doanh nhân nổi tiếng tích cực giới thiệu… Sự hấp dẫn và đa dạng, đậm đà bản sắc của nghệ thuật ẩm thực đã và đang là nguồn tài nguyên phong phú để khai thác, từ đó đóng góp tích cực trong việc quảng bá đất nước, con người Việt Nam.

Thực tế đã chứng minh, ẩm thực giúp công chúng quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, góp phần vào “quyền lực mềm” khi xây dựng hình ảnh quốc gia và quảng bá với thế giới. Ẩm thực có thể khơi gợi mong muốn đến Việt Nam du lịch, hoặc trở thành trải nghiệm níu chân du khách, được họ chủ động truyền thông và lan tỏa tới những người chung quanh. Mặt khác, khi văn hóa ẩm thực được đẩy mạnh thành thương hiệu quốc gia, đó còn là một kênh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiêu dùng của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế.

  • Một số ẩm thực đặc sắc: Khâu nhục Lạng Sơn, trâu gác bếp Tây Bắc, phở Hà Nội, bún chả Hà Nội, gỏi cuốn, nem chua Thanh Hóa, bún bò Huế, mì Quảng, lẩu thả Phan Thiết, cao lầu Hội An, bánh canh cá lóc Quảng Trị, bò tơ Tây Ninh, gỏi cá trích Phú Quốc, cơm tấm Sài Gòn…
Dấu ấn ẩm thực Việt
Dấu ấn ẩm thực Việt

Đánh giá chung

Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam và hoạt động du lịch trở lại quỹ đạo, cùng với nỗ lực chủ động nắm bắt xu thế du lịch xanh, du lịch Net Zero, xây dựng các sản phẩm du lịch cao cấp… là bước tạo đà cho sự bứt phá của ngành trong thời gian tới.

Định hướng phát triển du lịch Việt Nam đã được xác định rõ là: “Sản phẩm đặc sắc-Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản-Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh sạch đẹp-Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chính là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện quy hoạch du lịch các vùng miền, địa phương trên cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Việc các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp du lịch thực hiện “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện” chính là chìa khóa để du lịch Việt Nam bứt phá.