Di tích lịch sử Đền Hùng – Nơi đất tổ linh thiêng

Trang chủĐiểm đếnDi tích lịch sử Đền Hùng – Nơi đất tổ linh thiêng
Di tích lịch sử Đền Hùng – Nơi đất tổ linh thiêng
Di tích lịch sử Đền Hùng - Nơi đất tổ linh thiêng 1

Di tích lịch sử Đền Hùng – Nơi đất tổ linh thiêng

Đôi nét về Đền Hùng

Di tích lịch sử Đền Hùng - Nơi đất tổ linh thiêng 3

Cổng Đền Hùng nhìn từ trên cao

Khu di tích Đền Hùng là một quần thể kiến trúc hoành tráng được xây dựng vào thế kỷ 15 tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh ở độ cao 175m. Quần thể di tích bao gồm cổng Đền, Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Đền Giếng, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ với mục đích thờ cúng các đời vua hùng và tổ tiên có công dựng nước. Du lịch Phú Thọ đến với Đền Hùng, bạn sẽ bị chinh phục bởi nét đẹp cổ kính cùng thiết kế độc đáo với những mái ngói màu đất nung, những bức tường rêu phong được rừng già bao phủ.

Đền Hùng là nơi thờ cúng 18 đời vua Hùng Vương và tôn thất của nhà vua, những người đã có công dựng nước, được xem là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Xưa kia vùng đất này là kinh đô của nước Văn Lang, được bao bọc bởi hai dòng sông và những dãy núi non trùng điệp. Chính địa thế đó đã khiến nơi đây có nhiều sông ngòi, ao hồ, núi đồi và phù sa màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho con người định canh định cư, đồng thời cũng dễ dàng phòng thủ, hoặc rút lui trong trường hợp xảy ra xung đột.

Theo các tài liệu khoa học, quần thể Đền Hùng bắt đầu được xây dựng trên núi Hùng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (năm 968 – 979). Sau đó, đến khoảng thế kỷ XV, dưới thời Hậu Lê, toàn bộ khu di tích được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện nay.

Đền Hùng có tổng diện tích 845 ha với 4 ngôi đền, 1 ngôi chùa, 1 lăng cùng nhiều hạng mục kiến trúc khác, phân bố từ chân núi lên đến đỉnh núi, hài hòa với tổng thể cảnh quan hùng vĩ. Qua thời gian, nhiều di tích trong quần thể Đền Hùng đã được tôn tạo và xây dựng bổ sung nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, nghiêm trang.

Suốt hàng ngàn năm qua, Đền Hùng Phú Thọ là biểu tượng linh nghiêm, tôn kính, gắn liền với đời sống văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm đã đi vào tiềm thức mỗi người Việt Nam với câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.

Ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa của Đền Hùng

Di tích lịch sử Đền Hùng - Nơi đất tổ linh thiêng 5

Di tích lịch sử Đền Hùng - Nơi đất tổ linh thiêng 7

Một vài kiến trúc tại Đền Hùng

Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt, Đền Hùng được xếp hạng là khu di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói, Đền Hùng là nơi hội tụ những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Điều này thể hiện hết sức cụ thể, sinh động thông qua tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng.

Lễ hội Đền Hùng là lễ hội lớn ở Việt Nam mang tầm vóc quốc gia, thu hút sự quan tâm của tất cả những người Việt Nam chảy trong mình dòng máu “con Rồng cháu Tiên”, dù đang sống trong nước hay ở nước ngoài.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ năm 2012 chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhờ những giá trị độc đáo và riêng biệt. Đây là dấu mốc quan trọng và vinh dự to lớn không chỉ với người dân đất Tổ mà còn với cả dân tộc.

Tìm hiểu về lễ hội Đền Hùng

  • Địa điểm diễn ra lễ hội: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
  • Thời gian tổ chức: Ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm

Lễ hội Đền Hùng được công nhận là một trong những ngày quốc giỗ của nước Việt Nam. Từ năm 2007, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch là ngày nghỉ lễ chính thức.

Theo quy định, những năm kỷ niệm chẵn (chữ số cuối cùng là 0) hoặc năm tròn (chữ số cuối cùng là 5), lễ hội sẽ được tổ chức tại Đền Hùng với quy mô cấp trung ương. Các năm còn lại sẽ tổ chức quy mô cấp tỉnh, do tỉnh Phú Thọ chủ trì.

Các hoạt động chính trong Lễ hội Đền Hùng bao gồm phần Lễ và phần Hội.

Phần Lễ bao gồm lễ rước kiệu và lễ dâng hương tại đền Thượng. Hai lễ sẽ được cử hành đồng thời trong ngày chính hội mùng 10 tháng 3 Âm lịch:

  • Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu sẽ mặc trang phục truyền thống sẽ rước lọng, kiệu với cờ hội, vòng hoa rực rỡ, theo nhịp trống trong suốt hành trình sẽ xuất phát từ dưới chân núi, ghé lần lượt các đền trước khi lên tới Đền Thượng Đền Hùng làm lễ dâng hương.
  • Lễ dâng hương: Lễ này sẽ được thực hiện bởi một vị lãnh đạo đại diện để cầu mong các vị Thánh Tổ phù hộ cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, bách gia trăm họ, vạn đại trường tồn, mạnh khỏe, bình an, vui hưởng thái hòa… 

Phần Hội của lễ hội Đền Hùng bao gồm nhiều trò chơi dân gian thú vị, đặc sắc được tổ chức nhằm thể hiện và tôn vinh những giá trị truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc. Các hoạt động nổi bật có thể kể đến như hát xoan – hình thức dân ca đặc trưng của vùng Phú Thọ, đấu vật, kèo co, bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc – nơi Vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh khi xưa, thi gói bánh chưng bánh dày…

Nên đến Đền Hùng vào thời điểm nào?

Di tích lịch sử Đền Hùng - Nơi đất tổ linh thiêng 9

Lối vào các đền thờ tại Đền Hùng

Thời điểm lý tưởng để đi Đền Hùng là dịp đầu năm, khoảng tháng 2 đến tháng 5. Lúc này thời tiết đặc biệt mát mẻ, dễ chịu, việc di chuyển nhiều sẽ không bất tiện và khó chịu như trong mùa hè nắng nóng.

Đặc biệt, nếu đi vào đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch, bạn sẽ được chứng kiến lễ hội vô cùng quy mô, hoành tráng và cảm nhận không khí hân hoan, nhộn nhịp.

Vào ngày này, đông đảo người dân cả nước sẽ nô nức, tấp nập đi trẩy hội Đền Hùng để dâng hương bày tỏ sự tri ân thành kính đến các vị Tổ tiên và tham gia vào những hoạt động đặc sắc trong lễ hội.

Không chỉ có cơ hội được thăm quan những công trình thờ tự lâu đời, ngắm nhìn các cổ vật đầy ý nghĩa, đến với Đền Hùng, bạn sẽ được sống trong không gian của quần thể rừng quốc gia Đền Hùng xanh mát, tận hưởng bầu không khí trong lành, linh thiêng nơi Đất Tổ.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá

Xếp hạng