Đặc sắc lễ hội Gầu Tào của người Mông

Trang chủDi sản/Văn hóaĐặc sắc lễ hội Gầu Tào của người Mông
Đặc sắc lễ hội Gầu Tào của người Mông
Đặc sắc lễ hội Gầu Tào của người Mông 1

Gầu Tào là lễ hội lớn mang chiều sâu văn hóa, chắt lọc những tinh túy trong đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng người Mông. Theo phong tục trước đây, lễ hội Gầu Tào thường được tổ chức bởi những gia đình người Mông giàu có trong bản, cầu mong mưa thuận, gió hòa, con cháu khỏe mạnh, gia đình ấm no. Theo thời gian, Gầu Tào được mở rộng, trở thành lễ hội của cả bản làng trong dịp đón Tết Nguyên đán, mừng Xuân mới.

Lễ hội Gầu Tào của người H'Mông có gì đặc sắc

Nét đẹp tinh thần của đồng bào dân tộc Mông

Theo phong tục, khi một gia đình người Mông không có con, ít con hoặc sinh con một bề hay có người ốm đau hoặc làm ăn không tốt…, họ sẽ lên đồi Gầu Tào khấn xin thần linh ban cho con cái, cầu xin sức khỏe hay làm ăn thuận lợi. Khi lời cầu khấn trở thành hiện thực, họ làm lễ Gầu Tào để tạ ơn thần linh.
“Gầu Tào” theo tiếng dân tộc Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời”, hay “hội chơi trên đồi”. Theo tập quán, lễ hội Gầu Tào thường do 3 gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau và có chung hoàn cảnh như nêu trên cùng tổ chức.
Địa điểm làm lễ Gầu Tào được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp. Người Mông quan niệm, quả đồi Gầu Tào tượng trưng cho phúc mệnh của gia chủ. Trong đó, không gian trũng phía trước tượng trưng cho sự đứt gãy, không may mắn; những ngọn đồi phía sau cao hơn tượng trưng cho sự phát triển: Con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều.
Ngày mở hội Gầu Tào thường chọn ngày Thìn hoặc ngày Sửu trong tháng đầu tiên của năm mới. Mọi người chọn một cây tre cao, thẳng để làm cây nêu. Cây nêu được trồng ở bãi đất bằng phẳng, rộng rãi là nơi chọn để làm trung tâm lễ hội. Điểm đặc biệt, quả đồi tổ chức lễ Gầu Tào phải quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời.
Trên cây nêu mang một bầu rượu, túm thóc nương, bắp ngô và một dải băng đỏ để kính báo thần linh trời, đất. Sau khi làm lễ cúng tế cầu mong trời đất cho sức khỏe, mùa màng bội thu, mọi người toả ra các ngọn đồi thấp hoặc bãi ruộng bằng chung quanh chơi xuân.
Trong không gian âm nhạc rộn rã của tiếng sáo, tiếng khèn, các chàng trai khỏe mạnh đảm nhiệm phần mổ trâu, nấu cỗ. Các cô gái má đỏ hây hây trong cái nắng hanh, tay thoăn thoắt những mũi chỉ, đường kim, trổ tài thêu váy áo với những nét hoa văn đặc sắc dân tộc Mông, hay xúng xính trong những điệu múa truyền thống, đôi mắt lúng liếng trao duyên. Không khí náo nhiệt, vui tươi diễn ra chung quanh cây nêu – một biểu tượng linh thiêng được dựng lên ở vị trí trung tâm diễn ra lễ hội Gầu Tào.
Các thiếu nữ Mông trong trang phục rực rỡ sắc màu tái hiện phong tục, tập quán và văn nghệ dân gian của dân tộc mình. Sôi động và tưng bừng nhất là khu thi đấu các môn thể thao truyền thống dân tộc Mông. Các chàng trai so tài cao thấp, thể hiện sức khỏe, bản lĩnh và trí tuệ của người miền sơn cước.
Nghi thức hát mở màn lễ hội được thực hiện bởi một người thạo hát nhưng phải có gia đình khỏe mạnh, kinh tế khá giả. Sau đó, mọi người dự hội đều có thể vào hát, trình diễn và thưởng thức các trò chơi, múa khèn, múa võ, múa gậy sinh tiền, hát hội Chù Gầu Tào… và đều được chủ lễ mời rượu. Ngày hội này cũng là dịp để nam nữ chuẩn bị quần áo đẹp, vui chơi cùng chúng bạn, gặp gỡ người yêu… để bộc bạch tình cảm qua những bài hát mà thường ngày họ không thể thổ lộ.
Lễ hội tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, nhưng việc chuẩn bị được tiến hành từ cuối tháng Chạp, với hai nghi lễ là chặt tre và dựng nêu. Ngày chính hội được tổ chức từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, tùy theo tuổi của gia chủ hợp với ngày nào. Chủ lễ và người giúp việc treo đồ lễ lên cây nêu, đặt tiền mã dưới gốc và quỳ xuống khấn, vái cây nêu. Sau nghi lễ cúng bên cây nêu, chủ lễ tuyên bố mở đám hội.

Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Về Hoà Bình xem lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông

Lễ hội Gầu Tào được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông, mang ý nghĩa cầu phúc, cầu lộc, tạ ơn trời đất và tổ tiên đã phù hộ cho gia đình một năm an lành, bội thu. Đây cũng là dịp để cộng đồng gắn kết, gặp gỡ và vui chơi sau một năm lao động vất vả.
Lễ hội bao gồm các chuỗi hoạt động đa dạng và phong phú như: Lễ tế dân gian; Hội thi múa Khèn Mông giữa các bản làng ở Si Ma Cai; giao lưu văn nghệ giữa nhân dân và du khách; tổ chức các trò chơi dân gian (đu quay, ném còn, đánh én, bịt mắt bắt vịt,…); giao lưu các môn thể thao đẩy gậy, bắn nỏ.
Lễ hội hứa hẹn sẽ tái hiện một cách sinh động về phong tục tập quán tốt đẹp, lâu đời, lành mạnh và nét đẹp tinh thần của đồng bào dân tộc Mông, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong và ngoài huyện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *