LÝ LỊCH DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT CHÙA WATHSÊRÂYTÊCHÔ – MAHATUP (CHÙA MÃ TỘC – CHÙA DƠI)
I- TÊN GỌI:
Chùa Dơi tên thật là Wathsêrâytêchô – Mahatup (phiên âm từ tiếng Khmer). Về sau đồng bào người Việt và người Hoa đọc trại từ Mahátup thành “Mã Tộc”. Cho nên cũng có nhiều người gọi là: “Chùa Mã Tộc”.
Từ “Mã Tộc” cũng được gọi cho một địa danh từ một ngã ba đường tẻ vào Chùa Dơi, như một làng nhỏ. Dân cư hầu hết là ba dân tộc (Kinh, Hoa, Khmer).
II- ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỔ DI TÍCH – ĐƯỜNG ĐI ĐẾN:
Chùa Dơi thuộc khóm 9, phường Mỹ Quới, Cần Thơ. Đông- Tây giáp khu dân cư. Nam giáp ruộng. Bắc giáp lộ Mã Tộc. Được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp Quốc gia tại Quyết định số 05/1999/QĐ-BVHTT ngày 12/02/1999.
Chùa đi theo trục lộ Lê Hồng phong đến chợ Mùa Xuân rẻ phải là con đường nhỏ lộ Mã Tộc, đi khoảng 01 km đến chùa.
III- SỰ KIỆN – NHÂN VẬT LỊCH SỬ:
Theo người dân tộc Khmer, Mahatup là trận đánh lớn (Tup: trận đánh; Maha: lớn). Trận đánh này hàm chỉ một địa điểm, một tuyến đường kéo dài 2 km. Nơi đây đã diễn ra một trận đánh ác liệt của phong tráo nông dân nổi dậy chống phong kiến ngày xưa. Sau trận đánh đó, dân chúng tản cư trở về sinh sống, họ bàn bạc nhau, cho rằng vùng đất này có điềm lành (đất lành) nên họ xây chùa thờ Phật. Như để có một đấng tối cao che chở cho họ (vì các trận đánh của phong trào nông dân ở những nơi khác đều bị thất bại, nhưng đến nơi đây trận đánh ác liệt và đã giành thắng lợi).
Theo thư tịch cổ của Chùa còn để lại có ghi chép: Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1569 dl, cách nay 429 năm. Do ông Thạch Út đứng ra xây dựng. Từ trước đến nay Chùa trùng tu nhiều lần. Năm 1960 Chùa sửa chữa lớn ở chánh điện, đến nay Chùa cũng đang có kế hoạch trùng tu sửa chữa.
Chùa là nơi diễn ra những nghi lễ truyền thống của dân tộc như:
– Lễ vào năm mới (Bon Châul Chnam Thmei): còn gọi là lễ chịu tuổi, thường được tổ chức vào thàng tư dl (nhằm ngày giữa tháng tuỳ theo năm), cử hành trong vòng 3-4 ngày.
– Lễ cúng Ông bà (Pithi Sèn Đâunta): Lễ Đâunta được tổ chức 03 ngày mỗi năm, từ 29 tháng 08 đến 01 tháng 09 al.
– Lễ cúng trăng “đút cốm dẹp” (Bon Sâm Peah Preah Khe. Hoặc Âks Âm Bok): Mỗi năm vào ngày 15 tháng 10 âl, đồng bào khmer tổ chức cúng trăng để tưởng nhớ đến công ơn của mặt trăng, coi như một vị thần điều tiết mùa màng, đã giúp họ làm ăn được khá giả trong năm. Sôi nổi nhất là trong dịp cúng trăng, đồng bào khmer tổ chức cuộc đua ghe Ngo rất vui tươi và hào hứng.
Ngoài các lễ truyền thống, trong nhà chùa hàng năm còn tổ chức các lễ bắt nguồn từ Phật giáo.
– Lễ ban hành giáo lý (Bon Meakh Bâuchea): Tổ chức vào ngày 15 tháng 01 âl, là một thể thức thường niên của các chùa khmer, để nhắc nhở các tín đồ nhớ ngày ban hành giáo lý của đức Phật.
– Lễ Phật Đản (Bon pisakh Bâuchea): Khác với một số nơi theo Phật giáo tổ chức lễ Phật Đản vào ngày 08 hoặc 15 tháng 4 âm lịch, người khmer làm lễ sinh nhật đức Phật sau đó một tháng theo quy tắc của phái Tiểu thừa tức tháng trăng tròn của tháng 5 âm lịch là ngày Phật đắc đạo và cũng là ngày viên tịch nhập Niết Bàn.
– Lễ Nhập hạ (Bon Châul Vâssa): Hàng năm cứ đến đầu mùa mưa, vào ngày 15 – 6 âm lịch nhà chùa tổ chức lễ nhập hạ cho các sư sãi (Vâssa có nghĩa là mùa mưa. Vì mưa vào mùa hạ nên người ta gọi là lễ “Nhập hạ”).
– Lễ xuất hạ (Bon Chênh Vâssa): Được tổ chức từ chiều ngày 14-9 âm lịch đến trưa 15 chấm dứt. Đây là lễ chấm dứt 3 tháng nhập hạ của sư sãi khmer. Sau lễ này, các nhà sư lại có quyền rời chùa đi khất thực hay thăm viếng gia đình.
IV- LOẠI HÌNH DI TÍCH:
“Chùa Dơi” thuộc loại hình di tích danh lam thắng cảnh.
V- KHẢO TẢ DI TÍCH:
“Chùa Dơi” nằm trong phạm vi phường Mỹ Quới, Cần Thơ, trên trục lộ Lê hồng Phong đến Mỹ Xuyên, ở đoạn giữa trục lộ có một con lộ rẻ về bên phải, tiếp tục đi (lộ Mã Tộc) khoảng 1km đến chùa. Toàn bộ khuôn viên chùa khoảng 1 hecta, bao bọc xung quanh chùa là những tán cây cổ thụ rậm rạp (cây dầu, cây sao, cây vú sữa, cây thốt nốt, tre,…) nơi có rất nhiều dơi đậu trên những tán cây này.
Đến khuôn viên chùa, ta nhìn thấy cổng chùa về hướng Tây – Bắc, cổng chùa được xây dựng kiến trúc tôn giáo trang trí các hoạ tiết các hoa văn hình cánh sen và hoa cà ri cách điệu. Cổng nằm sát lề đường Mã Tộc. Chùa bao gồm các công trình kiến trúc như: Ngôi chính điện, ngôi sala (nhà hội của sư sãi và tín đồ), nhà ở sư trụ trì, sư sãi, các tháp đựng tro cốt người chết, nhà khách.