Bánh cuốn

Trang chủẨm thựcBánh cuốn
Bánh cuốn

Bánh cuốn Thanh Hóa nóng hổi chấm nước mắm chanh tỏi ớt, ăn kèm với giò lụa và rau thơm đang là “món tủ” của rất nhiều người. Ai nấy khi thưởng thức cũng đều phải trầm trồ, xuýt xoa khen ngợi.

Không hề cầu kỳ hay hào nhoáng, bánh cuốn Thanh Hóa vẫn đủ sức hút khiến cho bao người “gật gù khen ngon” khi nếm thử. Món bánh này không chỉ được người dân địa phương yêu thích mà còn khiến khách du lịch Thanh Hóa cũng phải say mê.

1. Đôi nét về bánh cuốn Thanh Hóa

Thanh Hóa vốn là vùng đất được bồi đắp bởi phù sa sông Mã, trồng nhiều lúa gạo. Với nguồn lương thực dồi dào, chất lượng, rất nhiều món ăn ngon đã được người dân sáng tạo ra. Bánh cuốn Thanh Hóa chính là một trong số đó. Đôi bàn tay khéo léo của cư dân xứ Thanh đã tạo ra món bánh cuốn gói gọn trong đó sự tinh túy của đất trời.

Bánh cuốn Thanh Hóa mang một hương vị thơm ngon rất riêng không hề lẫn với bất kỳ nơi nào khác. Lá bánh trong suốt, mỏng dính như tờ giấy nhưng lại dẻo dai không ngờ. Gói gọn trong lá bánh là nhân thịt băm, tôm, nấm hương, mộc nhĩ,… Trộn bên ngoài là hành khô phi vàng giòn tan. Bánh cuốn chấm nước mắm chanh tiêu ớt đã ăn thử một miếng là không muốn ngừng.

Bánh cuốn 1

2. Bánh cuốn Thanh Hóa có gì hấp dẫn thực khách?

2.1. Hương vị thơm ngon mang dấu ấn riêng

Bánh cuốn là một trong những đặc sản Thanh Hóa nổi tiếng, mang một hương vị thơm ngon rất riêng, khó có thể lẫn với bất kỳ loại bánh cuốn nào khác. Vỏ bánh mỏng, trong suốt như tờ giấy, được tráng bằng bột gạo pha loãng. Bên trong là nhân thịt băm thơm lừng, quyện cùng tôm tươi ngọt lịm, nấm hương và mộc nhĩ tạo nên một hương vị đậm đà khó quên. Để tăng thêm phần hấp dẫn, bánh cuốn Thanh Hóa còn được rắc thêm một lớp hành phi vàng giòn tan tạo nên một tổng thể món ăn hoàn hảo về cả màu sắc lẫn hương vị.

2.2. Nguyên liệu được tuyển chọn & chế biến tỉ mỉ

Để tạo nên hương vị say mê của bánh cuốn Thanh Hóa, người dân xứ Thanh đã chọn lọc và chế biến nguyên liệu một cách tỉ mỉ. Về phần vỏ bánh, được làm từ gạo tẻ được lựa chọn kỹ càng, ngâm kỹ rồi xay bằng cối đá truyền thống để tạo nên bột bánh mịn màng, dẻo dai. Phần nhân bánh cũng được chế biến cầu kỳ với thịt nạc vai tươi ngon, tôm sông ngọt lịm, nấm hương thơm và mộc nhĩ giòn. Đặc biệt, hành phi được thái bằng tay, chiên vàng ruộm tạo nên hương vị thơm lừng, khác biệt hoàn toàn so với hành phi đóng hộp.

Bánh cuốn 3

2.3. Cách tráng bánh khéo léo trăm chiếc như một

Cách tráng bánh cuốn Thanh Hóa đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người làm bánh. Người làm bánh sẽ sử dụng nồi bịt vải màn để dàn bột, sau đó đậy nắp, chờ 30 giây cho bánh chín. Sau đó, dùng ống tre được thoa mỡ, khéo léo lấy bánh ra, trải lên mâm, rải nhân rồi cuốn lại. Cứ thế, hàng trăm chiếc bánh cuốn được tráng ra, mỗi chiếc đều mỏng tang, trong suốt như nhau, thật đẹp mắt và ngon miệng.

2.4. Nước chấm đậm đà, lôi cuốn

Nước chấm bánh cuốn xứ Thanh thường được pha chế từ nước mắm ngon, chanh tươi, ớt, tỏi và đường. Sự kết hợp hài hòa giữa vị mặn của nước mắm, vị chua thanh của chanh, vị cay nồng của ớt và tỏi cùng vị ngọt dịu của đường tạo nên một hương vị vô cùng đặc biệt, kích thích vị giác người ăn.

3. Bánh cuốn Thanh Hóa được ăn kèm với gì?

Bánh cuốn Thanh Hóa không chỉ ngon nhờ lớp vỏ bánh mỏng, dẻo và nước chấm đậm đà mà còn bởi sự kết hợp hài hòa với những món ăn kèm đặc biệt. Bạn có thể ăn trực tiếp cùng nước chấm hoặc ăn với thịt băm nướng vàng thơm, giò lụa. Ngoài ra, tùy theo sở thích của mỗi người mà bạn có thể biến tấu thêm nhiều cách thưởng thức cho món ăn này.

Bánh cuốn 5

Bánh cuốn Thanh Hóa là món ăn được yêu thích của người dân xứ Thanh cũng như du khách. Việc người dân châu thổ tận dụng những nguyên liệu đặc trưng của vùng miền, những thứ được tự tay mình nuôi trồng và chăm sóc để làm bánh càng khiến cho món ăn càng trở nên có ý nghĩa.

Loại hình ẩm thực

  • Đặc sản
  • Món ăn

Loại món ăn

  • Đặc sản
  • Món Việt

Thích hợp

  • Ăn sáng
  • Ăn tối
  • Ăn trưa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá

Xếp hạng