Người Dao cư trú tập trung ở các xã của thị trấn của huyện Sìn Hồ là Tả Phìn, Phăng Sô Lin (nay là xã Sìn Hồ), Làng Mô (nay là xã Tủa Sín Chải), Ma Quai (nay là xã Hồng Thu) và thị trấn Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu).
Các loại thuốc gia truyền của người Dao Khâu ở Sìn Hồ khá phong phú, gồm nhiều loại cây lấy từ nhiều nguồn khác nhau. Các vị thuốc chủ yếu hái lượm ở rừng, trên vách đá, bờ khe suối… ít khi trồng sẵn. Có loại lấy rễ, có loại lấy lá, có loại lấy vỏ, cũng có loại lấy quả và hoa. Có vị thuốc sắc để chữa đường ruột, đau xương…; có vị giã nhỏ để chữa gãy xương, vết thương nhỏ…; có vị đun lấy nước tắm gội, rửa để chữa các bệnh ngứa, lở loét… Song, có thể chia thành các loại: Thuốc bổ, thuốc tắm, thuốc trị bệnh và thuốc độc.
Thuốc bổ
Thuốc bổ của người Dao Khâu rất đa dạng, có thể kể đến một số bài thuốc: Thuốc bổ dùng cho phụ nữ sau khi sinh, những người ốm bị suy nhược cơ thể. Công dụng chính của thuốc là kích thích tiêu hóa làm cho người ta ăn ngon, ngủ say. Có thuốc bổ máu và chống đơn sài cho trẻ sơ sinh. Ngay sau khi đẻ, người ta lấy củ tam thất (phàm lại), sâm núi (nòm jhang’), gừng gió (sùng vièng), nghệ (vièng trang) trộn với rượu rồi giã nhỏ nấu lẫn với thịt gà, ăn từ 10 – 20 ngày để sản phụ chóng sạch huyết và phục hồi sức khỏe.
Thuốc tắm
Thuốc tắm của người Dao Khâu là các cây lá tắm cho sản phụ và trẻ em sau khi sinh. Lá tắm có tác dụng cầm máu rất tốt cho sản phụ và giúp da của trẻ sơ sinh tránh nhiễm trùng, chống được nhiều bệnh tật. Để tắm cho trẻ sơ sinh, đồng bào lấy cây mướp đắng (pù tặp in), cây đòn gánh (đoàng moang), cây hoa cứt lợn (quảng má mia), mỗi thứ một nắm, đun lấy nước tắm cho trẻ. Để tắm cho sản phụ, đồng bào dùng cây bạch đồng nam (cày tùng ú), cà dại (chì là cháng), ngải cứu (lài ngỏi mí), mỗi thứ một nắm, đun sôi, tắm từ 1 – 2 lần/ngày.
Thuốc chữa bệnh
Thuốc chữa bệnh là những vị thuốc được khai thác từ các loại cây cỏ có vị đắng, chát, ngọt… Chẳng hạn, vỏ cây vông kết hợp với lá cây dứa dại đỏ để chữa bệnh trĩ; hoa chuối dại kết hợp với nhiều vị thuốc khác nhau chữa bệnh đau tim; rễ cây đậu ván nấu lấy nước hoặc ngâm rượu uống chữa tiểu tiện buốt…
Theo tập quán trước kia, mỗi khi trong cộng đồng có người đau ốm, người Dao Khâu đều tự chữa cho nhau bằng những cây thuốc quanh nhà. Những bài thuốc, cây thuốc quý xưa chỉ được truyền miệng, không ghi chép vào sách vở. Nhiều bài thuốc có cách phối hợp vị thuốc theo bí quyết riêng của mỗi gia đình và chỉ truyền cho con trai hoặc con dâu, không truyền cho con gái, con rể. Bởi vậy, đây là những bài thuốc gia truyền, xưa chỉ dùng để chữa cho người trong cộng đồng và một số ít người từ nơi khác biết mà tìm đến. Chỉ đến gần đây, người Dao Khâu mới mang tri thức về cây thuốc của mình phổ biến rộng rãi, vừa chữa bệnh cứu người, vừa làm nguồn sinh kế đem lại một nguồn thu nhập đáng kể.
Hiệu quả thuốc Nam của người Dao Khâu ở Sìn Hồ đã được chứng minh, hầu hết không có tác dụng phụ, nhiều bài thuốc chữa được bệnh nan y. Chẳng hạn, người bị nhiễm trùng nếu chữa bằng Tây y có thể phải tháo khớp, nhưng người Dao Khâu chỉ dùng thuốc Nam đắp ngoài là khỏi. Người bị bệnh trĩ chữa bằng Tây y phải cắt, còn dùng thuốc Nam của người Dao Khâu chỉ uống là tự nó co lên. Người bị sỏi thận chữa bằng Tây y phải mổ, còn dùng thuốc của người Dao Khâu chỉ cần uống là sỏi tự tiêu…
Thuốc Nam của người Dao Khâu còn hiệu nghiệm với nhiều bệnh khác như cam sài ở trẻ em, bệnh ho hen, ho lao, viêm gan B, vàng da, đại tràng, phong tê thấp…
Rừng núi Sìn Hồ hiện có hàng trăm loài dược liệu, trong đó rất nhiều loài quý và đặc hữu. Việc được tiếp cận thêm với thuốc Bắc, hiện nay làm cho nghề thuốc Nam của người Dao Khâu ngày càng hoàn thiện, trở thành một di sản quý. Quyết định số 2170/QĐ-BVHTTDL ngày 27/6/2025 Tri thức dân gian – Tri thức dân gian về chữa bệnh của người Dao (Huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) là đưa những kiến thức này thành một trong những di sản văn hóa của người Dao nói riêng và vùng đất Lai Châu nói chung.
Phát triển mô hình chăm sóc dược liệu quý
Sâm Lai Châu