Nghề dệt của người Dao Họ

Trang chủDi sản/Văn hóaNghề dệt của người Dao Họ
Nghề dệt của người Dao Họ
Nghề dệt của người Dao Họ 1

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay nghề dệt vải của người Dao Họ xã Bảo Hà vẫn được duy trì và phát triển. Trong các bản làng của người Dao Họ, những sản phẩm dệt thủ công truyền thống vẫn hiện hữu trong đời sống hàng ngày của bà con nơi đây.

Nghề dệt của người Dao được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đặc sắc nghề dệt vải

Ngoài những lúc lên nương, xuống chợ phụ nữ dân tộc Dao Họ luôn chăm chỉ quay sợi, se tơ dệt vải, làm nên những bộ trang phục mang đậm nét đặc trưng của dân tộc mình. Với phụ nữ dân tộc Dao Họ, việc gìn giữ, phát triển nghề dệt vải truyền thống trở thành nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của người dân.
Để tạo được một sản phẩm dệt thủ công hoàn chỉnh, nghề dệt vải của người Dao Họ phải trải qua nhiều công đoạn: sang sợi, luộc sợi, cuốn sợi, kéo sợi và đưa sợi vào khung để dệt thành những tấm vải thô. Khác với nhiều dân tộc khác là nhuộm vải xong mới cắt may thành quần áo, người Dao Họ lại cắt, khâu thành trang phục hoàn chỉnh mới đem nhuộm chàm. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ và chị em người phụ nữ Dao Họ sẽ là người đảm nhiệm nhiệm vụ này. Dệt vải được xem là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo, cần mẫn của người phụ nữ. Cho nên phần lớn phụ nữ rất khéo tay trong việc kéo sợi, dệt vải.
Ngay từ độ tuổi 15-16, các cô gái đã được các bà, các mẹ truyền dạy cho các công đoạn đếm sợi, chọn sợi, chọn vải, cách tìm cây lấy màu cũng như kỹ thuật pha màu, phối màu, cách dệt những sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp. Và khi đến độ tuổi trưởng thành, mỗi phụ nữ người Dao Họ ai cũng giỏi việc dệt may. Hiện nay người Dao Họ ở Cam Cọn vẫn thường xuyên làm trang phục để phục vụ nhu cầu của bản thân hoặc bán cho ai có nhu cầu đặt mua.

Sự tỉ mỉ của đôi bàn tay

Dù đã cao tuổi nhưng cụ Tày vẫn cần mẫn dệt nên những tấm vải để may trang phục

Từ những dụng cụ thô sơ, tự tạo, thông qua các thao tác thủ công cùng bàn tay khéo léo, sự chăm chỉ của người phụ nữ đã tạo ra những sản phẩm dệt màu sắc đẹp mắt. Nếu như các dân tộc khác cắt may, dùng thước và máy may hỗ trợ, thì với người Dao Họ chỉ dùng cách thủ công là dùng những bộ quần áo cũ hoặc gang tay để áng chừng số đo. Trang phục sau khi được cắt khâu thủ công xong rồi mới mang đi nhuộm chàm, khác với quy trình nhuộm vải rồi mới may trang phục của các dân tộc khác. Cùng với khâu dệt vải, cắt may, người Dao Họ rất coi trọng khâu nhuộm vải. Trước đây bà con thường lên rừng để tìm cây chàm nhưng giờ đây các gia đình đã tự trồng trong vườn để tiện cho việc nhuộm trang phục. Khâu nhuộm vải cũng cầu kỳ không kém, đòi hỏi thời gian và trải qua nhiều công đoạn. Sau khi lấy cây chàm về, cho vào ngâm với nước vôi và nước tro bếp khoảng 1 tháng mới dùng được. Theo kinh nghiệm của mỗi người khi nhuộm sẽ thử màu, nếu màu dính ra tay và lên màu như ý muốn thì lúc đó mới có thể cho vải vào nhuộm. Khâu nhuộm cũng phải mất nhiều lần mới đạt màu mong muốn. Việc dệt vải thường được thực hiện vào cuối ngày hay những lúc nông nhàn. Hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung cửi dệt vải đã rất quen thuộc, gần gũi trong đời sống của người Dao Họ.
Vẻ đẹp lao động
Nghề dệt vải thủ công của người Dao họ có từ lâu đời, với nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, nên cần có sự kiên nhẫn và khéo léo từ đôi bàn tay của người phụ nữ mới có thể làm được. Còn người đàn ông trong gia đình sẽ căn chỉnh, sữa chữa khung dệt. Tuy việc xe sợi, luộc sợi, hồ sợi, cuốn sợi thành lô, kéo sợi và lắp vào khung dệt mất khá nhiều thời gian, nhưng chưa phải việc khó nhất, bởi người Dao họ dệt vải có những điều kiêng kỵ tuyệt đối. Ví dụ như, khi kéo sợi không được nói những điều không hay, trong khi kéo sợi không được bước chân qua…
Dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng hiện nay phụ nữ Dao họ vẫn không mua sẵn trang phục ngoài chợ về mặc; vì dệt, may vá, thêu thùa cũng thể hiện rằng, người phụ nữ đó đảm đang. Hơn nữa, cũng vì quần áo may sẵn mua ngoài chợ không được hồ sợi trước khi dệt, nên không phù hợp với trang phục truyền thống, nhanh bạc màu.
Có thể nói, nghề dệt vải là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc trong đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của người Dao Họ. Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thủ công truyền thống của người Dao Họ xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên không chỉ góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình mà quan trọng hơn chính là gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao Họ./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *